Độ sụt là gì? Cách kiểm tra độ sụt của bê tông | OPACONTROL

Bê tông là một trong những loại vật liệu nhân tạo phổ biến nhất trên Trái đất sau nước. Nhằm đáp ứng được các nhu cầu ngày càng cao của xã hội, các loại bê tông được nghiên cứu cải tiến mỗi ngày, không chỉ cải thiện về cường độ, các tính chất cơ lý mà cả đặc tính công tác - được thể hiện bằng chỉ tiêu độ sụt. Hãy cùng Opacontrol tìm hiểu xem Độ sụt là gìcách đo độ sụt bê tông nhé.

Kiểm tra cường độ chịu nén của vữa

Xác định độ co ngót của bê tông

1. Độ sụt bê tông là gì?

Độ sụt là thuật ngữ mô tả độ cứng của hỗn hợp bê tông. Độ sụt hay độ lưu động của vữa bê tông, là chỉ tiêu dùng để đánh giá khả năng dễ chảy hay tính linh động của hỗn hợp bê tông tươi dưới tác dụng của trọng lượng bản thân hoặc rung động.

Độ sụt của bê tông ký hiệu là SN (cm)

Hỗn hợp bê tông

Hình 1: Hỗn hợp bê tông bơm có độ sụt cao

Giai đoạn đầu sau khi trộn, hỗn hợp bê tông ở dạng vữa lỏng có tính linh động nhằm đảm bảo thuận tiện cho việc vận chuyển và thi công rót khuôn dễ dàng. Tính dễ đổ này thực tế sinh ra từ việc tổng hợp 2 yếu tố sau:

  • Yếu tố động học: đó là độ chảy hoặc khả năng biến dạng dưới tác dụng của một phương tiện đầm làm cho đầy khuôn dễ dàng và nhanh;

  • Yếu tố tĩnh học: sự ổn định hoặc khả năng giữ được sự đồng nhất (không có sự phân tầng lắng đọng).

2. Tại sao phải kiểm tra độ sụt của bê tông

Việc kiểm tra độ sụt bê tông trong xây dựng với mục đích đảm bảo 2 yếu tố:

  • Về mặt thi công: đảm bảo tính thi công được. Bằng việc xác định tính “dễ thi công” của hỗn hợp vữa bê tông để đưa ra một quy mô về phương pháp đầm chặt, dễ vận chuyển và bảo dưỡng công trình sử dụng bê tông;

  • Về mặt kỹ thuật: độ sụt đạt yêu cầu khi hỗn hợp bê tông được phối trộn đồng nhất, tỷ lệ thành phần đúng tiêu chuẩn và cấp phối thiết kế, không gây ảnh hưởng tới các tính chất khác của bê tông, tránh những tranh chấp về sau.

Đối với những bê tông có độ sụt chưa đạt yêu cầu thì cần dựa vào kết quả để thay đổi tỷ lệ thành phần các nguyên vật liệu. Điều này sẽ góp phần cải thiện kịp thời cấp phối bê tông, tránh bê tông bị phân tầng tách nước, giảm cường độ bê tông sau đóng rắn, đảm bảo chất lượng công trình.

3. Độ sụt bê tông ảnh hưởng tới quá trình thi công và chất lượng bê tông như thế nào?

3.1. Ảnh hưởng của độ sụt bê tông đến quá trình thi công

Độ sụt bê tông là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình thi công công trình.

Độ linh động đảm bảo bê tông có thể bơm được bằng máy bơm bê tông, có thể dàn trải kín đầy khuôn và không bị phân tầng tách lớp khi đầm rung, bớt bọt khí và lỗ rỗng đảm bảo độ đặc chắc trong cấu trúc bê tông. Nếu bê tông không có tính công tác thì người công nhân không thể thi công được.

Tùy theo điều kiện mỗi công trình, hỗn hợp bê tông có thể được trộn trực tiếp và thi công tại chỗ, hoặc được trộn tại các trạm trộn bê tông và được vận chuyển (bằng xe bồn) đến công trường.

Kiểm tra độ sụt bê tông

Hình 2: Kiểm tra độ sụt của bê tông

Theo khuyến cáo chung, thời gian sau khi trộn bê tông đến khi đổ bê tông trên công trường không quá 90 phút. Để an toàn, bê tông phải được giao đến công trường trong vòng chưa đầy một giờ.

Việc vận chuyển bê tông từ trạm trộn tới công trường yêu cầu bê tông luôn được trộn đều trong thùng trộn để giúp làm chậm thời gian bắt đầu đông kết của bê tông xi măng và tránh sự phân tầng.

Khi đến công trường, bê tông sẽ được kiểm tra độ sụt đạt đúng thiết kế kỹ thuật đảm bảo công tác thi công hay không.

3.2. Ảnh hưởng của độ sụt tới chất lượng của bê tông

  • Bê tông khô cứng quá có thể khiến quá trình trộn không đồng đều, làm cấu trúc bê tông không đồng nhất, tạo nhiều lỗ rỗng làm giảm chất lượng bê tông.
  • Bê tông ướt quá, độ sụt lớn nhưng không được sử dụng các loại phụ gia thích hợp có thể gây phân tầng, tách nước, giảm cường độ bê tông.

4. Những yếu tố ảnh hưởng tới độ sụt của bê tông

4.1. Hàm lượng nước

Hàm lượng nước là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới độ sụt của bê tông tươi. Hàm lượng nước trên 1 mét khối bê tông tươi tăng thì bê tông tươi càng dẻo. Tuy nhiên để giữ nguyên được cường độ bê tông thì tăng lượng nước đồng nghĩa phải tăng thêm xi măng để giữ cho tỷ lệ nước/xi măng (N/X) không đổi. Chính vì vậy hàm lượng nước cần được tính toán cẩn trọng trước khi thêm vào hỗn hợp bê tông.

4.2. Sử dụng phụ gia

Đây là nhân tố rất quan trọng ảnh hưởng tới hầu hết các tính chất của bê tông. Hiện nay có rất nhiều loại phụ gia được sử dụng và đều có tác dụng làm tăng tính công tác của bê tông. Sử dụng phụ gia đúng loại và lượng sẽ giúp giảm tỷ lệ N/X, đồng thời tăng độ lưu động cũng như chất lượng bê tông và tiết kiệm chi phí xây dựng.

4.3. Cấp phối hạt

Cấp phối hạt là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến độ sụt bê tông tươi. Thiết kế được cấp phối tốt sẽ giúp tiết kiệm xi măng sử dụng đồng thời hỗn hợp bê tông có tổng lỗ rỗng trên một đơn vị thể tích là thấp nhất. Cấp phối hạt càng hợp lý thì tổng lỗ rỗng càng nhỏ và càng làm tăng tính công tác.

4.4. Tỷ lệ thành phần cốt liệu lớn

Tỷ số cốt liệu/xi măng cũng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến độ lưu động bê tông tươi. Tỷ số này càng tăng bê tông tươi càng khô cứng, do có rất ít vữa xi măng trên một đơn vị diện tích bề mặt cốt liệu – có tác dụng bôi trơn làm tăng sự linh động của các hạt cốt liệu.

4.5. Hình dạng và kích thước của cốt liệu

Khi cốt liệu càng to, bề mặt càng thô ráp, thì tổng diện tích bề mặt càng giảm dẫn đến lượng nước cần thiết để làm ướt bề mặt giảm và lượng vữa yêu cầu để bôi trơn bề mặt cốt liệu cũng giảm. Với cùng một lượng nước và vữa nếu cốt liệu càng lớn thì tính công tác càng tăng.

Cốt liệu có hình dạng góc cạnh và thô ráp làm cho bê tông tươi khó nhào trộn, cốt liệu tròn thì bê tông dẻo hơn. Cùng 1 đơn vị thể tích hoặc khối lượng bê tông tươi cốt liệu tròn sẽ có diện tích bề mặt nhỏ hơn, lực ma sát giữa các phần tử cũng nhỏ hơn. Điều này giải thích vì sao cát sông và sỏi làm tăng tính công tác của bê tông tươi hơn đá dăm.

 

Tham khảo: Các chỉ tiêu thử nghiệm vữa xây dựng

5. Cách kiểm tra độ sụt bê tông

5.1. Tiêu chuẩn độ sụt của bê tông

Độ sụt của bê tông được xác định theo TCVN 3106:2022- Hỗn hợp bê tông – Phương pháp xác định độ sụt, hoặc ASTM C143-90A.

Tiến hành lấy mẫu kiểm tra độ sụt theo TCVN 3105-2022- Hỗn hợp bê tông và bê tông - Lấy mẫu, chế tạo và bảo dưỡng mẫu thử.

5.2. Dụng cụ đo độ sụt bê tông

Dụng cụ để đo độ sụt bê tông

Dụng cụ để đo độ sụt bê tông

  • Dụng cụ đo là hình nón cụt của Abrams, gọi là côn Abrams, có kích thước 203x102x305 mm, đáy và miệng hở;
  • Tấm nền làm từ vật liệu cứng, phẳng, không thấm nước, có kích thước cạnh không nhỏ hơn 700 mm x 700 mm;
  • Phễu đổ hỗn hợp dùng để đổ hỗn hợp bê tông vào khuôn;
  • Thanh đầm được làm từ thanh thép tròn trơn đường kính 16 mm, dài 600 mm, hai đầu được làm tròn;
  • Thước thép đo chiều dài 300-600mm có vạch chia đến 1 mm, có vạch 0 tại điểm đầu của thước.

5.3. Quy trình kiểm tra độ sụt bê tông

  • Đặt côn sụt trên tấm đế phẳng chắc chắn. Dùng khăn lau ẩm toàn bộ côn và bề mặt tấm đế nhưng không để đọng lại nước;
  • Dẫm 2 chân lên 2 quai của nón sụt, giữ chắc côn;
  • Dùng phễu xúc tiêu chuẩn đổ 1 lượng bê tông bằng khoảng 1/3 thể tích côn. Sử dụng thanh thép đầm chặt mỗi lớp 25 lần theo chuyển động tròn (không khuấy) từ vòng ngoài vào trong tâm;
  • Tiếp tục thêm bê tông đến 2/3 côn và lặp lại quy trình đầm như trên. Lưu ý lần Đầm chặt sau cho vừa tới vào lớp trước bê tông;
  • Chèn hỗn hợp bê tông đầy nón sụt, lặp lại 25 lần đầm chặt;
  • Dùng que thép gạt hỗn hợp bê tông thừa trên nón sụt, dùng bay gạt phẳng mặt côn và loại bỏ hết phần bê tông thừa rơi trên mặt tấm đế;
  • Từ từ rút nón sụt theo cách kéo lên theo chiều dọc (10 giây + / – 2 giây), đảm bảo không làm mẫu bê tông bị di chuyển;
  • Chờ cột bê tông sụt tự nhiên;
  • Sau khi bê tông đã ổn định, đo độ sụt theo chiều cao bằng cách chuyển hình nón sụt ngược xuống đặt cạnh các mẫu, đặt que thép nén phía trên nón sụt và đo khoảng cách từ thanh đến tâm di dời lúc ban đầu.

5.4. Đánh giá

Nếu khối hỗn hợp bê tông sau khi nhấc côn lên bị vỡ (Hình 3b), sạt (Hình 3c) thì phải lấy mẫu khác theo TCVN 3105:2022 để thử lại.

Kiểu sụt bê tông

Hình 3: Các kiểu sụt của hỗn hợp bê tông

Nếu 2 lần thí nghiệm liên tiếp đều bị vỡ, sạt thì hỗn hợp bê tông đó được xem là không đủ độ dẻo, độ dính kết cần thiết để thí nghiệm độ sụt hoặc cần kiểm tra lại quá trình thí nghiệm.

Mẫu đạt yêu cầu như hình 3a thì xác định độ sụt của mẫu bằng cách đo chênh lệch chiều cao giữa miệng côn với điểm cao nhất của khối hỗn hợp bê tông (h) với độ chính xác tới 5 mm (Hình 4).

Đo độ sụt bê tông

Hình 4: Đo độ sụt hỗn hợp bê tông

H (cm) chính là độ sụt của hỗn hợp bê tông cần đo.

Ứng với mỗi hạng mục; vị trí thi công hạng mục; cách đổ bê tông bằng đổ tay, bơm cần hay bơm tĩnh; cũng như đặc điểm về thời tiết, khí hậu,... sẽ có các độ sụt khác nhau. Cần dựa vào yêu cầu thiết kế để có đánh giá độ sụt có đạt yêu cầu hay không.

Trên đây là các nội dung liên quan tới độ sụt của bê tông cũng như cách đo độ sụt bê tông. OPACONTROL tự hào là đơn vị có đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu của bê tông và hầu hết các loại vật liệu xây dựng khác. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào hãy nhanh tay gọi vào số hotline của Opacontrol chúng tôi để có được tư vấn tốt nhất.

OPACONTROL là tổ chức Thử nghiệm - Chứng nhận và Kiểm định chất lượng uy tín, luôn sẵn sàng giải đáp và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho các loại sản phẩm, hàng hóa, vật liệu.

Xem thêm:

Thử nghiệm phụ gia hóa cho bê tông

Thử nghiệm gạch bê tông theo TCVN 6477:2016

 

CÔNG TY TNHH CHỨNG NHẬN VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG OPACONTROL

Website: https://opacontrol.com.vn/

Email: opa@opacontrol.vn

Facebook: https://www.facebook.com/opacontrol

SĐT: 024.22061628 - 1800.646480

← Bài trước Bài sau →
Icon-Zalo Zalo Icon-Youtube Youtube Lên đầu trang